4987 | 3 năm trước
Chị Lê Thị Vân, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ hái lưỡi long về nấu ăn và gửi làm quà cho bà con ở miền Nam (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Văn Chương
Nhà nhà ăn lưỡi long
Xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ là một địa phương bãi ngang ven biển, ở gần cuối tỉnh Quảng Ngãi, giáp ranh với tỉnh Bình Định. Vào những ngày nắng, cát mịn quần lên theo những làn gió biển thổi thốc vào xóm làng. Ở ngôi làng này, do có đặc thù là đất pha cát, người dân không trồng được nhiều loại cây hoa màu, nhưng lại mọc lên một loại lưỡi long không có gai nhọn, thân cành trổ ra nhiều nhánh và phát triển như chiếc sừng hươu, nên có người gán cho nó cái tên là lưỡi long tai thỏ.
“Đi làm nắng dề (về), nhờ canh lưỡi long mà húp được mấy chén cơm” – anh Nguyễn Ngao - một ngư dân nói với tôi vẻ khoan khoái. “Ăn được cả lưỡi long à?”- Tôi cố tình tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại để có câu chuyện về món ăn lạ lẫm này có vẻ thú vị hơn. Câu hỏi đó đã “chạm” phải những điều cần nói về món ăn mà người dân nơi đây xem như đặc sản, nên anh Nguyễn Ngao chia sẻ: “Việt Kiều ở Úc, ở Mỹ, mỗi lần về thăm quê cũng hỏi canh lưỡi long cá thững”.
Anh Ngao kể chuyện và tiện thể hái 1 túm lưỡi long gói vào túi lưới để sáng mai gửi cho người mang vào làng chài Phước Tĩnh, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Từ năm 1968 đến tận sau ngày giải phóng, người dân ở xã Phổ Khánh chán ngấy cảnh sống ở vùng biển bãi ngang, tiền làm ra ít, canh tác cây trồng cũng không ăn thua, nên kéo nhau vào xã Phước Tĩnh lập nghiệp. Nhưng khi đi xa rồi thì luôn nhớ, quê mình có một món ăn đặc trưng không nơi nào có, đó là canh lưỡi long. Kể từ đó, hễ mỗi khi có người từ quê vào làng biển Phước Tĩnh thì bà con đều gửi theo 1 túm lưỡi long để làm quà.
Chuyện lưỡi long ở miền quê nghèo “di cư” vào miền Nam thì có biết bao nhiêu chuyện để kể. Thời bao cấp, bà con vào miền Nam làm biển, do quá thèm món canh lưỡi long nên điện thoại về nói người nhà gói cả bao gửi vào cho anh em trên thuyền cùng ăn. Xe khách bị chặn ở các trạm kiểm soát và bao lưỡi long bao giờ cũng bị cán bộ thuế vụ phỏng vấn kỹ nhất. Câu hỏi quen thuộc mà người mang theo bao lưỡi long nhận được là: “Tại sao lưỡi long lại chở vào miền Nam? Liệu trong bao lưỡi long có độn hàng lậu hay không?”.
Lưỡi long “tiễn” cơm củ
Tôi ngồi vào bàn đánh chén tô canh lưỡi long ngon lành, vì nhìn ra bên cạnh thấy ai cũng xì xụp húp canh, khuôn mặt toát ra vẻ hài lòng với món ăn ngon mà không tốn nhiều tiền cho một bữa ăn. Nhưng ngồi ăn thì tôi mới nghiệm ra rằng, mảnh đất khô cằn, bạc màu này đã khiến những người bám làng, bám đất phải quần quật quanh năm. Sau những ngày đội nắng, đội mưa và trở về nhà, để nuốt bát cơm trong không khí hầm hập quả là hơi khó. Canh lưỡi long có vị hơi nhớt, khi nuốt đến đâu thì trôi đến đó. Vì vậy, tôi hay nghe những ngư dân ăn canh lưỡi long dùng từ “trơn tuột”, ăn vô nhanh, ngủ ngon, để còn tranh thủ dậy đi làm. Nhiều người già còn kể chuyện “thời trước nghèo khổ, cơm không đủ ăn, trưa về ăn củ lang và tương, thêm một tô canh lưỡi long thì củ trôi tuột vô nhanh nhất”.
Anh Nguyễn Ngao còn đưa tôi về với chuyện lưỡi long thời ông cố, ông nội, thời cả làng ăn củ, luộc khoai chống đói. Đó là nhiều chục năm trước, ngôi làng này trồng nhiều cây lưỡi long hơn bây giờ. Bởi vì cuộc sống thiếu đói, không đủ gạo nấu, nên người ta hái lưỡi long về ăn 3 bữa. Cứ ra biển chài lưới kiếm nhanh vài con cá, sau đó về nấu cá vừa chín, trút lưỡi long xắt mỏng vô khuấy đều, ăn no bụng. Vậy là cả làng ăn lưỡi long từ năm này, sang năm khác.
Cây lưỡi long mà người dân xã Phổ Khánh làm rau xanh, đó là loại lưỡi long không có gai nhọn như lưỡi long xương hùm thường thấy ngoài bụi rậm; thân lưỡi long bóng, mọng nước, màu xanh mướt, có nhiều cụm gai nhỏ li ti như lông tơ và phải gọt đi trước khi nấu. Ăn nhiều lưỡi long nấu canh, bà con nghiệm ra cách nấu làm sao cho ra được vị lưỡi long ngon. Đó là sáng hái lưỡi long khi chưa có ánh nắng mặt trời, khi nấu lên thì canh lưỡi long sẽ vừa ngọt, vừa chua, nước canh màu vàng nhạt. Còn hái lưỡi long vào buổi chiều, canh lưỡi long sẽ có màu xanh, ít chua, cảm giác ăn không ngon bằng hái lưỡi long vào buổi sáng.
Vào làng chài Phước Tĩnh ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi nhiều người dân Quảng Ngãi từng di cư vào làm ăn rồi ở lại, một số người ngạc nhiên khi thấy lưỡi long ngày nào cũng theo xe khách từ Quảng Ngãi vào, sau đó mang ra chợ bán với giá 10.000 đồng 2 miếng. Có người quá nhớ món lưỡi long thì đã xắt ra phơi khô, sau đó dự trữ ăn dần.
Xã Phổ Khánh là địa phương có rất nhiều người vào xã Phước Tĩnh, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lập nghiệp, sau đó hình thành làng chài từng nổi tiếng nhất cả nước. Nhưng dù đi làm ăn xa và thành đạt, nhiều người vẫn giữ thói quen ăn canh lưỡi long.
Lưỡi long đi... tây
“Thèm canh lưỡi long, nhưng bên này kiếm không ra”, thỉnh thoảng, người dân Phổ Khánh sinh sống bên Mỹ, Úc lại điện thoại về Việt Nam nhắc chuyện thèm món canh lưỡi long, dù bên đó không thiếu thứ gì. Mỗi lần về thăm quê hương, bữa cơm đầu tiên gia đình chiêu đãi những đứa con xa quê trở về chính là canh lưỡi long. Sau này, bà con ở Phổ Khánh nghĩ ra việc xắt mỏng đọt lưỡi long, phơi khô, đóng gói để gửi sang Mỹ. Hoặc trước khi nghe tin người thân ở nước ngoài về thăm quê thì người nhà ở Phổ Khánh đã lo xắt, phơi khô lưỡi long để làm quà từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thôn cho biết, ngoài này, ngày nào cũng có người gửi lưỡi long theo xe khách để đưa vô chợ Phước Tĩnh (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Lưỡi long được bày bán tại chợ với giá 5.000 đồng 3 bàn (3 miếng). Ai tới mua lưỡi long về nấu là biết ngay người đó quê ở Quảng Ngãi.
Tôi được bà con nông dân tặng vài túm lưỡi long mang về thành phố Quảng Ngãi để nấu cho người thân thưởng thức món ăn lạ miêng. Chị Lê Thị Vân hướng dẫn tôi cách róc những cụm gai nhỏ li ti trên bàn lưỡi long, sau đó xắt mỏng và đổ vào nồi nấu. Lưỡi long rất hợp khi nấu với các loại thịt. Chị Vân cười đùa: “Dân Phổ Khánh ăn món này từ hồi nhỏ, thứ này ăn rất tốt. Nhiều người rời quê vô miền Nam, sau này đều làm ăn khá giả”.
Lê Văn Chương
Theo : https://bienphong.com.vn/luoi-long-lang-chai-di-tay-post444662.html
1 năm trước
Những ngày có gió mùa đông bắc về, ngồi cùng gia đình và nhâm nhi món ăn này thì quả là không gì sánh bằng.
1 năm trước
Món ăn được đánh giá là có vẻ ngoài đơn giản nhưng lại là sự kết hợp hoàn hảo giữa kết cấu mỏng giòn cùng hương vị thơm ngon hòa quyện của các nguyên liệu.
1 năm trước
Bánh tráng phơi sương được xem là tinh hoa ẩm thực 'riêng có' của xứ Trảng (Tây Ninh).
1 năm trước
Giá củ kiệu đầu mùa đang cao ngất ngưởng, gấp đôi năm ngoái nên nhiều người cân nhắc với kế hoạch chế biến, kinh doanh mặt hàng này mùa Tết
1 năm trước
Dùng ghe thuyền đánh bắt ở biển xa ngày càng khó khăn do cá tôm ít dần, giá xăng dầu tổn phí tăng cao, ngư dân Phú Yên lại quay về đắp đổi với nghề đánh bắt bằng thúng gần bờ.
2 năm trước
Đây là một loại đặc sản mọc tự nhiên trên các gành đá nhưng chỉ xuất hiện vào mùa đông, từ tháng 9 đến tháng 1 âm lịch năm sau, có giá bán lên đến 3,5 triệu đồng/kg khô.
2 năm trước
Lạng Sơn có khoảng 4.000 ha trồng cây thạch đen, hàng chục cơ sở chế biến sản phẩm thạch lâu năm, song sản phẩm thạch đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh lại thuộc về cô giáo dân tộc Tày Chu Thị Hạnh.
2 năm trước
Nhiều người trẻ yêu thích trà sữa, thêm trân châu hoặc kem cheese. Cũng có người lại yêu cầu được thưởng thức thứ trà đặc sản, pha chế công phu. Nhiều năm qua, trà không lỗi mốt.
2 năm trước
Cá Ninja là một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng và đắt tiền ở Busan (Hàn Quốc) và một số nơi ở châu Âu.
2 năm trước
Nhờ vị ngon lạ và không có xương cứng, cá Ninja tuy có hình dạng đáng sợ vẫn đang được nhiều bà nội trợ Việt Nam ưa thích.