Bạn là người BÌNH ĐỊNH

YÊU BÌNH ĐỊNH nhé

Thứ sáu, 26/04/2024 , Bình Định


Phố xưa Thu Xà

8852 | 2 năm trước

Một thời, từ thương cảng Thu Xà, ghe bầu nối nhau chở đầy ắp tơ lụa, đồ gốm sứ đến những vùng dân cư ven sông để bán buôn và khi trở về trên khoang thuyền toàn là đường muỗng
Phố xưa Thu Xà

Dịch Covid-19 kéo dài, con đường từ TP Quảng Ngãi trực chỉ về hướng Đông đến phố xưa Thu Xà (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) thường ngày vốn tấp nập người, xe giờ thưa vắng hơn. Những hàng quán bên đường như vẫn uể oải, chỉ có dòng sông đầy nước và những đám mây phiêu lãng bay.

Thiên nhiên khéo tạc

Dừng chân ở cầu Phú Nghĩa - nơi nối liền xã Nghĩa Hòa với xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), nhìn về phía Đông Bắc mới thấy thiên nhiên khéo tạc.

Đường phố ngày nay trên phố xưa Thu Xà

Dòng sông Vệ, cả sông Phước Giang, đi qua bao ghềnh thác về đến vùng giáp biển là lững lờ trôi theo hướng Nam - Bắc, rồi nhập với sông Trà Khúc theo hướng Tây - Đông trước khi đổ ra cửa Cổ Lũy là cửa biển lớn nhất của Quảng Ngãi. Nơi vùng sông ngòi tụ hội, từ nhiều thế kỷ trước, người Việt cùng người Minh Hương (Trung Quốc) đã làm nên thương cảng Thu Xà nằm trong chuỗi thương cảng ở miền Trung.

Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" của Triều Nguyễn thì "nơi đây nhà cửa trù mật, người Việt, người Tàu hội tụ buôn bán đông đúc, giàu có. So với các hạt ở miền Nam thì phố này thua phố Hội An ở Quảng Nam mà thạnh hơn phố Tân Quan ở Bình Định, cũng là một chỗ đô hội vậy".

Phố Thu Xà xưa có hình chữ đinh. Dọc sau phố là con sông đào, thuyền ghe ra vào tấp nập, tạo nên khung cảnh trước phố, sau thuyền. Từ thương cảng Thu Xà, những chiếc ghe bầu ngược sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Phước Giang lên lãnh địa của người dân tộc H’re ở Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà và dân tộc Ka Dong ở Sơn Tây, hoặc ra cửa Cổ Lũy nhằm hướng Bắc rồi vào cửa Sa Cần (huyện Bình Sơn), đi ngược sông Trà Bồng lên tận vùng người dân tộc Kor để buôn bán.

Khi ghe bầu rời thương cảng chở theo mắm, muối, nông cụ và khi trở về chở đầy quế, sa nhân, cau...

Quảng Ngãi xưa là xứ mía đường. Cũng từ thương cảng Thu Xà, những chiếc ghe bầu chở đầy ắp tơ lụa, đồ gốm sứ đến những vùng dân cư ven sông (mà bây giờ trở thành thị trấn, thị tứ) để bán buôn và khi trở về trên khoang thuyền toàn là đường muỗng.

Những loại nông thổ sản sau khi tập kết về Thu Xà được cân, đo, đong, đếm trước khi đưa lên thuyền buồm xuất qua Trung Quốc, Cao Miên để đổi lấy hàng sành sứ, tơ lụa.

Làm ăn hưng thịnh, thương nhân có điều kiện xây dựng chùa chiền và lấy bản quán đặt tên chùa nên mới có chùa Triều Châu, chùa Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Đông; xây dựng hội quán để gặp gỡ, trao đổi chuyện làm ăn hoặc gửi gắm tình cảm giữa những người trong bang. Những trò chơi như hốt me, tam tứ lục cũng được các thương nhân duy trì.

Cảnh cũ đổi dời

Cho đến nửa đầu thế kỷ XX, khi đường bộ phát triển, Thu Xà mất dần vai trò thương cảng, để lại trong thơ của thi sĩ Bích Khê với khung cảnh như ngưng đọng, mơ màng: "Nơi đây thành phố đời ngưng mạch/Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ/Đường lên Hội quán sương khuya xuống/Đâu mấy chàng trai dõi nhớ hờ?" (Làng em - Bích Khê).

Trong khu lưu niệm thi sĩ Bích Khê

"Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ" ấy là kết quả của cuộc hợp hôn trong cộng đồng Hoa - Việt, để những chàng trai thương mến, tương tư.

Rồi Thu Xà đi qua tháng năm và chiến tranh. Phố xưa đổ nát. Cảnh cũ đổi dời.

Ông Từ Quang Tuấn, phụ trách chùa Ông - hậu duệ của người Minh Hương tại Thu Xà, xuýt xoa, tiếc nuối: "Phố xưa dáng vóc chẳng khác nào Hội An (Quảng Nam) với những ngôi nhà rường cổ có nhiều hàng cột gỗ và mái lợp ngói âm dương, không còn nữa. Mỗi khi ai đó làm nhà, đào móng, bắt gặp khá nhiều gạch vồ, mẻ muỗng. May mà còn ngôi chùa Ông đạn bom chưa rớ tới".

Chùa Ông kiến trúc hình chữ tam, với ba ngôi nhà kế tiếp nhau. Mặc dù qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ nguyên dáng vóc. Khác với nhiều ngôi chùa ở Quảng Ngãi, chùa Ông không có kinh kệ, sư sãi mà là nơi thờ đức Quang Thánh. Hai bên tả hữu có Chu Thương và Quang Bình phò tá, có ngựa hồng, đại đao. Gian giữa hậu cung thờ Quan Thế Âm bồ tát. Hai gian phụ hai bên thờ cụm tượng Thiên Hậu và Kim Đẩu. Ngôi chùa đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia.

Mạch nguồn năng động

Lang thang trong phố xưa, tôi gặp ông giáo già Lê Văn Thường. Cả đời ông gắn bó với Thu Xà.

Ông trầm ngâm: "Phố xưa đổ nát, nhà cửa xưa chẳng còn. Nhưng chú biết không? Có một điều không thay đổi, nó như mạch nguồn tồn tại trong huyết quản của người dân, đó là sự năng động làm ăn, bắt nhịp với cuộc sống".

Ngày xưa, trên đất Thu Xà, người Hoa thiên về buôn bán, người Việt đa phần phát triển nghề thủ công. Nếu ở thôn Hòa Bình, Phú Nghĩa người dân chuyên nghề làm nhang mà trong thành phần nguyên liệu là chi, cành lá quế, bời lời… thì ở thôn Hòa Tân làm chiếu cói.

Nghề chiếu cói làm quanh năm nhưng bận rộn hơn trong những tháng cận Tết, khi mùa cưới về. Lúc đó, các cô gái quê càng nhanh tay dệt chiếu hoa cho những đôi uyên ương lựa chọn, hoặc để dân làng các nơi mua chiếu mộc trải trong những đình làng.

Chiếu Hòa Tân bây giờ mai một nhưng nhang thơm Phú Nghĩa hay Hòa Bình đã thành thương hiệu và lưu truyền mãi đến tận bây giờ.

Ở Thu Xà, nghề làm kẹo gương đã được nâng lên hàng đặc sản của xứ Quảng. Thì cũng đường đó, mè đó nhưng qua bàn tay người thợ trở thành miếng kẹo gương vừa thơm vừa dòn, ăn vào tan ngay nơi đầu lưỡi, thành món ngon đãi khách khi đến thăm nhà. Còn gì hơn trong những ngày mùa đông se lạnh, nhấm nháp miếng kẹo gương rồi thưởng thức ly nước chè tươi.

Kẹo gương Thu Xà từ lâu trở thành quà tặng của người xứ Quảng cho khách phương xa. Con cháu của người Thu Xà lên thành phố Quảng Ngãi hay vào Tư Nghĩa, Mộ Đức lập nghiệp vẫn mang theo nghề của cha ông và tạo nên những thương hiệu như kẹo gương Hoàng Yến.

Một điều thú vị là vừa bảo tồn nghề xưa, người Thu Xà lại vừa năng động tiếp thu nghề mới. Vài mươi năm trước, trên đường tha hương, người Thu Xà học được nghề làm sản phẩm thủ công từ lốp xe hơi, xe tải rồi mang nghề về quê.

Từ Thu Xà, người phố cổ đi khắp các vùng trong tỉnh tìm mua lốp xe hơi cũ đem về chế biến. Rồi cũng qua những người mai mối, họ ra Bắc vào Nam, qua tận bên Lào, Campuchia gom hàng chở về. Qua bàn tay khéo léo của họ, những chiếc lốp cũ trở thành dép lốp, chỉ bố, dây buộc hoặc thành tấm cao su bán cho những cơ sở tái chế lốp xe máy, xe hơi.

Vươn đến dịch vụ du lịch

Không biết tự bao giờ, Thu Xà trở thành điểm hẹn cho du khách tìm về, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ.

Du khách về đây vãng cảnh chùa Ông, thắp hương cầu mong sự an yên, tài lộc, nghe chuyện về thương cảng. Rồi sau đó, họ đến thăm nhà lưu niệm của thi sĩ Bích Khê, gần ngã ba Hòa Phú. Trong khuôn viên rộng 2.000 m2 nhà lưu niệm của thi sĩ Bích Khê, có nhà thờ tộc họ, nơi thờ thi sĩ, nhà thủy tạ, hồ sen.

Thu Xà nay còn có cả một khu nghỉ dưỡng hoành tráng để đón khách tham quan

Tại nơi này, du khách sẽ được nghe những câu chuyện về cuộc đời của thi sĩ Bích Khê (1916-1946) - một nhà thơ thuộc phái thơ tượng trưng tài hoa nhưng yểu mệnh, cũng để hiểu hơn khung cảnh của vùng thương cảng xưa, của làng quê vùng cuối sông thật yên bình.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều quán don mọc lên ở Thu Xà. Ngày xưa, xứ Quảng lưu truyền câu ca "cô gái lòng son, không bằng tô don Vạn Tượng". Nay, theo thời gian, mọi thứ cũng theo đó mà thay đổi thật nhiều. Đâu chỉ quán don ở làng Vạn Tượng nằm bên sông Trà Khúc mà ở Thu Xà cũng có những quán don ngon nức tiếng.

Bà Thương, một chủ quán don, bộc bạch: "Thì cũng con don nhũi trên sông Trà Khúc, sông Vệ đem về nấu đãi lấy ruột, thêm ít hành tây, tiêu thì thành tô don. Nhưng để tô don ngon thì phải gửi lòng mình vào nó. Khi múc tô don bày lên bàn, nhớ nhắc thực khách đừng quên dùng chiếc muỗng dằm trái ớt cay xè và bánh tráng dùng kèm phải là bánh tráng gạo mới thơm ngon".

Nhưng Thu Xà đâu chỉ dừng lại ở những quán don. Tại vùng bãi dừa lâu rồi người dân nơi đây còn làm những quán bằng chiếc bè tre để đón khách. Những món ngon của sông biển theo đó tụ hội. Con cá đối, con cua gạch hấp hành, con tôm nướng lửa than hồng chấm muối tiêu chanh, con mực nướng chấm mắm gừng và cả nồi cháo hàu thơm bốc khói sẽ làm ấm lòng du khách.

Rồi cũng từ vùng cửa sông, cửa biển nhiều lợi thế, bây giờ còn có cả một khu nghỉ dưỡng hoành tráng để đón khách tham quan. Thương cảng Thu Xà xưa giờ được đánh thức theo nhịp tháng ngày.

"Về Thu Xà - vùng thương cảng xưa trong tiết đầu đông, hiu hiu gió bấc, chợt nhớ câu thơ trong bài “Làng em” của nhà thơ Bích Khê: “Nơi đây làng cũ buồn thu quạnh/Anh có khi nào trở lại chưa?/Ngày đi chậm lắm - Dòng sông biếc/Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa” mà lòng nặng mối u hoài.

Bài và ảnh: Võ Quý Cầu

YÊU BÌNH ĐỊNH nhé

Theo : http://nld.com.vn/thoi-su/pho-xua-thu-xa-20211211185935094.htm


Bài viết cùng chuyên mục

Lịch cắt điện Bình Định ngày mai 1/12 cập nhật mới nhất

Lịch cắt điện Bình Định ngày mai 1/12 cập nhật mới nhất

1 năm trước

Lịch cắt điện cập nhật mới nhất của các thành phố, thị xã, huyện của Bình Định ngày mai 1/12 được cập nhật mới nhất trên website của Tổng công ty Điện lực miền Trung.


Hấp dẫn từ những điểm đến dọc quốc lộ 28 (Đắk Nông)

Hấp dẫn từ những điểm đến dọc quốc lộ 28 (Đắk Nông)

1 năm trước

Nằm trong Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Đắk Nông, quốc lộ 28 đoạn từ xã Đắk Ha (Đắk Glong) đến huyện Krông Nô được đánh giá là cung đường hấp dẫn, với nhiều cảnh quan đẹp thích hợp để du khách trải nghiệm, khám phá khi tới Đắk Nông.


Khám phá ba ngôi 'đệ nhất cổ tự' ở miền Trung

Khám phá ba ngôi 'đệ nhất cổ tự' ở miền Trung

1 năm trước

Với lịch sử lâu đời và kiến trúc, cảnh quan đặc biệt hấp dẫn, những ngôi 'đệ nhất cổ tự' này là điểm đến hàng đầu ở các tỉnh thành hút khách du lịch bậc nhất khu vực miền Trung.


'Thay áo mới' cho ngọn hải đăng hơn 130 tuổi

'Thay áo mới' cho ngọn hải đăng hơn 130 tuổi

1 năm trước

Hải đăng Cù Lao Xanh là một trong những ngọn hải đăng được xây dựng sớm nhất Việt Nam, nằm ở độ cao 120m so với mực nước biển trên đỉnh núi của xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.


Hơn 11 nghìn lít sơn Dulux bảo vệ ngọn hải đăng Cù Lao Xanh

Hơn 11 nghìn lít sơn Dulux bảo vệ ngọn hải đăng Cù Lao Xanh

1 năm trước

AkzoNobel đã hoàn thành việc sơn lại công trình Hải đăng Cù Lao Xanh với sơn Dulux Weathershield.


Hoa dã quỳ nở vàng óng dưới chân ngọn núi lửa triệu năm ở Gia Lai khiến dân tình rộn ràng đến 'sống ảo'

Hoa dã quỳ nở vàng óng dưới chân ngọn núi lửa triệu năm ở Gia Lai khiến dân tình rộn ràng đến 'sống ảo'

1 năm trước

Sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ đang phủ kín chân núi lửa Chư Đăng Ya, tranh thủ đến 'sống ảo' ngay kẻo qua mùa đẹp.


'Khoác áo mới' cho Hải đăng Cù Lao Xanh

'Khoác áo mới' cho Hải đăng Cù Lao Xanh

1 năm trước

Hải đăng Cù Lao Xanh (Bình Định) vừa được sơn lại toàn bộ bằng sơn Dulux Weathershield, nhằm giúp cho công trình có thể chống chọi với mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.


AkzoNobel Việt Nam tự hào bảo vệ hải đăng Cù Lao Xanh trước mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt

AkzoNobel Việt Nam tự hào bảo vệ hải đăng Cù Lao Xanh trước mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt

1 năm trước

AkzoNobel - Tập đoàn hàng đầu thế giới về sơn và chất phủ, đồng thời là nhà sản xuất chính của thương hiệu sơn Dulux đã hoàn thành việc sơn lại công trình hải đăng Cù Lao Xanh với Dulux Weathershield.


Lịch cắt điện Bình Định ngày mai 23/11 cập nhật mới nhất

Lịch cắt điện Bình Định ngày mai 23/11 cập nhật mới nhất

1 năm trước

Lịch cắt điện cập nhật mới nhất của các thành phố, thị xã, huyện của Bình Định ngày mai 23/11 được cập nhật mới nhất trên website của Tổng công ty Điện lực miền Trung.


Cù Lao Câu - Tuy Phong, Bình Định

Cù Lao Câu - Tuy Phong, Bình Định

1 năm trước

Đứng trước thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng, tác giả đã viết ra bài thơ như lời cảm thán từ đáy lòng.


Xem tất cả bài viết thuộc chuyên mục Du lịch Bình Định

Việc làm khác