Nhắc đến vợ chồng ông Hà Tư Phước và bà Huỳnh Thị Hạt, người dân phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai đan xen nhiều cung bậc cảm xúc. Thoạt đầu khi nghe chuyện gieo mầm thiện nguyện của hai vợ chồng, ai nấy lấy làm lạ; dần dà tất thảy bà con trong vùng dành cho họ sự thán phục vô ngần. Bởi lẽ, dù tuổi đời đã ngoài năm mươi, kinh tế gia đình xếp vào diện bình thường nhưng hai vợ chồng có tấm lòng thơm thảo này đã và đang cưu mang 120 người bệnh tâm thần trong nhà. Đặc biệt, một số mảnh đời kém may mắn trong "ngôi nhà chung" ấy sở hữu giọng hát trời phú và trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Và anh Đoan (32 tuổi) – người nổi tiếng trên mạng bởi những bài hát về mẹ là một trong 120 người tâm thần được vợ chồng ông Phước cưu mang.
Vào một buổi sáng nắng dịu, gió man mát, men theo con hẻm nhỏ dưới chân núi Hàm Rồng - Gia Lai, chúng tôi tìm tới nơi nuôi dưỡng miễn phí hơn 120 người tâm thần của vợ chồng ông Hà Tư Phước, bà Huỳnh Thị Hạt.
Hôm chúng tôi tới, bà Hạt đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm trưa cho anh em trong trại điên. Thấy khách lạ ghé thăm, bà Hạt tỏ vẻ ngại ngùng vì sở dĩ từ trước tới nay, hai vợ chồng bà rất ngại tiếp chuyện người lạ, đặc biệt khi nói về những việc mình làm.
Nghiệp nuôi người điên đến với vợ chồng bà Hạt như một định mệnh. Ông Hà Tư Phước sinh năm 1966, là con út trong gia đình nghèo có 7 anh chị em ở TP Pleiku. Năm 18 tuổi, ông học nghề lái xe tải. Trên những chuyến đi dài từ Nam ra Bắc, ông gặp bao cảnh đời, phận người éo le. Giữa xô bồ cuộc sống, gặp người thất cơ lỡ vận trên đường, ông đều ra tay giúp đỡ.
Một lần chạy xe tới Bình Định, thấy một thi thể vô thừa nhận bên đường, ông Phước dừng lại ở đó gần 3 ngày để tìm thân nhân cho người đã mất. Cũng chính việc làm nghĩa hiệp này của ông đã khiến bà Huỳnh Thị Hạc đem lòng yêu quý.
Một năm sau, bà Hạc rời quê Bình Định theo ông Phước về TP Pleiku xây dựng tổ ấm. Lần lượt 2 người con, một trai một gái, ra đời. Vợ lo nội trợ, chồng chạy xe, căn nhà gỗ nhỏ xíu luôn tràn ngập tiếng cười. Cuộc sống của họ tuy còn nghèo khó nhưng tưởng chừng đã an nhàn ổn định, cho đến một ngày, ông Phước đưa người điên đầu tiên về nhà.
Vợ chồng ông Phước hiện đang nuôi hơn 120 người tâm thần.
Một ngày định mệnh cuối năm 2003, trong một lần chạy xe, ông Phước tình cờ gặp một thanh niên bị trói chân bởi dây xích. Nhìn bộ dạng anh ta có thể gục xuống đường bất cứ lúc nào, lúc ấy ông bèn đưa người này lên xe rồi mang về nhà chăm sóc.
Khi thấy chồng làm vậy, bà Hạt không hề đồng tình. Nhiều lúc hai vợ chồng còn gây nhau về chuyện này. Sở dĩ vậy bởi thời điểm đó gia đình còn nghèo, bà Hạt thì không đi làm, phải ở nhà chăm mẹ già gần 90 tuổi tàn tật. Mấy miệng ăn chỉ trông vào chiếc xe của chồng đi chở thuê, giờ nuôi thêm người tâm thần nữa sẽ là gánh nặng quá lớn. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi, khi bệnh tình chàng thanh niên đó bắt đầu thuyên giảm và sống hòa đồng cùng gia đình.
Bà Hạt năm nay 46 tuổi, sự khổ ải vật chất và những đêm mất ngủ triền miên đã hằn in trên gương mặt người phụ nữ tảo tần này. Trò chuyện với bà Hạt, chúng tôi mới thấy rõ nghị lực phi thường của vợ chồng bà.
Bà Hạt kể lại hôm chồng mình đưa người tâm thần đầu tiên về nhà là một buổi chiều “định mệnh”. Khi thấy chồng mình dìu từ trên xe xuống một thanh niên không quen biết, ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù, miệng liên tục lảm nhảm những chuyện vô nghĩa và cười ngây ngô… rồi nói sẽ nuôi anh ta, bà cứ ngỡ là chồng đùa. Bà Hạt không ngờ là chồng mình làm thật.
“Ai đời nhà đã nghèo khó, con còn nhỏ, mẹ già lại tàn tật rồi hàng xóm láng giềng dị nghị, làm sao có thể đưa một người tâm thần về sống chung? Tôi đã kịch liệt phản đối, thậm chí còn dọa sẽ ly hôn nếu như chồng còn giữ ý định đó. Tôi nghĩ cứ dồn vào đường cùng thì chồng sẽ từ bỏ ý định, ai ngờ anh ấy vẫn một mực vay tiền đào giếng, cất nhà và chung sống với “anh bạn mới” của mình. Và tôi nhận ra mình sẽ không thể thay đổi được quyết tâm của chồng” - bà bày tỏ.
Chỉ một thời gian ngắn thấy chồng tận tụy chăm sóc người thanh niên tâm thần, bà Hạc nhận ra người điên không hung dữ như mình tưởng. Mà chồng của bà làm điều thiện, làm phước cho đời chứ đâu phải làm việc gì bất lương?. Nghĩ vậy nên bà vừa thấy thương chồng vừa cảm thông với hoàn cảnh của “anh bạn mới” rồi dần dần bị ông thuyết phục.
Từ 1 - 2 người, đến nay con số người điên ở nhà ông Phước đã tăng lên 120 người. Để có nơi ở rộng rãi cho những người điên này sinh hoạt, ông bà đã xây một căn nhà lớn dưới rẫy của mình. Như vậy cũng đỡ ảnh hưởng đến người dân xung quanh, đồng thời tạo cho họ không gian rộng rãi, thoải mái hơn.
Tiếng lành đồn xa, những người nửa tỉnh nửa mê ở những nơi xa tận Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Thọ… cũng tự tìm đến hoặc được người nhà đưa tới gửi nhờ vợ chồng ông Phước chăm sóc.
Tâm sự với bà Hạt mới hiểu hết những nghị lực phi thường mà hai vợ chồng bà và những người trong gia đình đã làm được. Thời gian đầu, vợ chồng bà Hạt phải trực tiếp giặt giũ, tắm rửa cho tất cả thành viên trong “gia đình”. “Ở đây mọi người sống công bằng với nhau. Gia đình tôi ăn uống thứ gì thì “anh em” ăn uống thứ đó, không phân biệt” - bà Hạt khẳng định.
Khổ nhất là những ngày mưa gió rét mướt, có những lúc nửa đêm, cả nhà phải đi tìm từng người đi lạc để về tắm rửa, lo cho ăn ngủ. Có như vậy, ông bà mới yên tâm vì sợ họ gây ra chuyện gì. Sau này, ông bà phần nào đỡ cực hơn vì đã có kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc người tâm thần. Họ đã hướng dẫn “anh em” tự chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác và tự biết dọn dẹp.
Từ những người lang thang với cặp mắt ngờ nghệch, lúc khóc lúc cười, khi la hét, thậm chí còn hung dữ như thú hoang thì giờ đây, họ trở nên hiền lành, biết tắm giặt, biết đàn hát.
Để có tiền chăm sóc cho 120 người tâm thần này, hàng ngày ông Phước nhận chạy xe thuê cho người khác, bà Hạt ở nhà làm rẫy và lo cơm nước. Đêm về, ông Phước thường xuống nói chuyện tâm sự cùng những người tâm thần này.
Những mảnh đời bất hạnh trước khi đến với “ngôi nhà cổ tích” của vợ chồng bà Hạt đều đã trải qua biết bao sóng gió, bao chuyện buồn trước đó. Trong số hơn 120 người, có những người vẫn nhớ, vẫn biết tên tuổi, quê quán, gốc gác quá khứ của mình, nhưng cũng có những người không biết hoặc đã cố quên đi quá khứ đau buồn ấy. Thậm chí, có những người đã gây ra án mạng khiến bản thân điên loạn, để đến giờ họ vẫn luôn mang trong mình những mặc cảm về tội lỗi mình đã gây ra.
Điều kỳ lạ là những người tâm thần khi đến với gia đình ông Phước đều có sự thay đổi lớn. Hôm chúng tôi vào, hầu như không thấy ai... điên, điên theo nghĩa là đập phá đồ đạc, hét hò khắp nơi. Ai cũng hiền, bảo ngồi là ngồi, bảo đứng là đứng. Từ những người lang thang với cặp mắt ngờ nghệch, lúc khóc lúc cười, khi la hét, thậm chí còn hung dữ như thú hoang thì giờ đây, họ trở nên hiền lành, biết tắm giặt, biết đàn hát…
Bên trong trại điên có một số người sở hữu giọng hát trời phú và trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, gây ấn tượng mạnh mẽ với giọng hát nội lực và cảm xúc.
Một trong số đó là anh Đoan (32 tuổi, quê ở Kon Tum). Anh Đoan gây ấn tượng mạnh bởi giọng hát trời phú, tràn ngập cảm xúc và dễ làm lay động lòng người. Ngoài ca khúc Mãi Mãi, anh Đoan còn thể hiện nhiều ca khúc khác. Anh Đoan chia sẻ rằng nhiều lúc muốn viết một ca khúc hay một bài thơ tặng mẹ nhưng cứ suy nghĩ mãi không thể viết được. "Tôi có thể viết nhiều ca khúc tặng bạn gái nhưng mẹ thì khó quá. Giai điệu và nốt nhạc thì rất nhiều nhưng ngôn từ để nói hết tình cảm dành cho mẹ thì không thể nào viết được. Thì thôi có một câu thơ an ủi tôi rằng: "Nếu thương mẹ thì hãy thương khi mẹ vẫn còn đây" , anh Đoan tâm sự.
Về nguyên nhân phải vào trại tâm thần, anh Đoan nói rằng quá khứ của mình trải qua rất nhiều chuyện. Khi đi học cấp 3, mình thi giọng hát hay lớp 10 được giải nhất, có mấy bạn ghen tị, lấy cây đàn đập vào đầu nên phải vào đây chữa bệnh.
Tiếng hát của anh Đoan làm lay động lòng người.
Nói về anh Đoan, bà Hạt nhận xét anh là một bệnh nhân lễ phép và không có dấu hiệu của một người mắc bệnh tâm thần. Còn về nguyên nhân bị bệnh của anh Đoan, bà Hạt cho biết những người ở đây thường nói lúc kiểu này, lúc kiểu kia nên rất khó để biết chính xác nguyên nhân anh Đoan bị như vậy.
Ngoài anh Đoan, anh Trần Như Hùng (ở TP Pleiku) cũng là một giọng hát được rất nhiều người ở trại điên yêu mến. Hôm chúng tôi vào, anh Hùng trực tiếp “chiêu đãi” tiết mục “Tình ca Măng Đen” mà theo anh Hùng nói đây là bài hát “tủ” của anh. Nói về nguyên do vào trại, anh Hùng một mực khẳng định mình bình thường, mình không bị vấn đề gì về thần kinh.
Không chỉ riêng anh Đoan, anh Hùng mà hàng trăm người bị bệnh tâm thần ở trại điên của vợ chồng ông Phước từ một người điên, hung hăng, dữ tợn mất lý trí như một con thú nay trở nên hiền lành, thân thiện và biết nghe lời hơn nhiều.
Ông Nguyễn Đức Vũ – Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết: “Từ lâu nay gia đình ông Phước đã nhận những người tâm thần về nuôi, nhiều người ở các bệnh viện tâm thần cũng đến đây và ông Phước đã xem họ như người thân trong nhà. Ngoài tấm lòng nhân ái của hai vợ chồng, cũng có nhiều mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ. Phường cũng thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên để hỗ trợ phần nào với những người kém may mắn này”.
Nội dung: HIỀN MAI - Thiết kế: HUY MẠNH