6562 | 4 năm trước
Ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vẫn còn lưu truyền những câu ca dao: Tháng giêng xem hội chùa Ông/ Mà lòng nhấc nhổm chờ mong hội Bà/ Ai đi buôn bán nơi xa/ Lo về kịp hội quê nhà thường niên. Hội Bà chính là lễ hội chùa Bà lưu truyền từ thuở cảng thị Nước Mặn còn phồn vinh đến giờ, nay gọi là lễ hội Đô thị Nước Mặn, diễn ra vào các ngày 30, tháng Giêng và mùng 1, 2, tháng 2 Âm lịch hàng năm ở thôn An Hòa.
Điểm lại một chút lịch sử
Đến cuối thế kỷ XVI, kể từ khi làm trấn thủ vùng Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng có ý đồ cát cứ nên ông chú tâm mở mang buôn bán với nước ngoài để xây dựng tiềm lực cho Đàng Trong.
Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, thương nghiệp thế giới phát triển mạnh, các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý... và phương Đông như Trung Hoa, Nhật Bản vượt biển tìm kiếm thị trường, thuyền buôn các nước đã đến các cảng thị nổi tiếng xứ Đàng Trong như Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế) và Nước Mặn (Bình Định). Do đó, cảng thị Nước Mặn phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XVII và trở thành một cảng thị phồn vinh, nổi tiếng cả xứ Đàng Trong.
Theo mô tả của Cristophoro Borri trong tác phẩm “Xứ Đàng Trong năm 1621”, cảng thị là một khu vực dài khoảng hai dặm (tương đương 3,2 km) và rộng khoảng một dặm rưỡi (tương đương 2,4 km) và như vậy khi C. Borri đến đây - năm 1617, Nước Mặn đã là một cảng thị đông đúc.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, cảng thị này chạy dài theo bờ nam sông Hà Bạc (tức sông cây Da) ngày xưa từ đầu thôn An Hòa giáp thôn Nho Lâm (xã Phước Hưng), qua thôn Lương Quang (xã Phước Quang), thôn Kim Xuyên ( xã Phước Hòa) tới cầu Vạn rồi kéo dài đến tận cửa sông Hà Bạc, nơi tiếp giáp sông Gò Bồi tại thôn thôn Tùng Giản.
Vùng trung tâm cảng thị thuộc các thôn An Hòa, Hòa Quang, nay là xóm Lương Quang ngoài (xã Phước Quang) có nhiều dãy phố chạy ngang dọc như bàn cờ. Có những dãy phố chuyên bán một loại hàng hóa như vàng bạc và đồ trang sức, phố tiệm thuốc bắc, phố hàng mã, hàng pháo, hàng nhang đèn, hàng tơ lụa gấm vóc, hàng đồ gốm, hàng mỹ nghệ, hàng đồ đồng, hàng đồ gỗ, hàng sách chữ Hán, đồ thờ cúng. Sầm uất nhất là khu phố chợ. Chợ Nước Mặn họp hàng ngày nhưng tấp nập nhất là vào những ngày chợ phiên.
Thuở phồn thịnh, Nước Mặn trở thành một biểu tượng đẹp về đời sống phồn hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa và của cả xứ Đàng Trong. Tới ngày chợ phiên, tàu thuyền đậu kín bến, voi chở lâm sản từ miền thượng về, ngựa thồ hàng từ các các thị trấn, thị tứ trong vùng tới. Người trong nước, ngoài nước đủ màu da, nhiều tiếng nói đi lại nhộn nhịp trên đường phố. Hàng hóa Đông - Tây đủ màu, đủ kiểu bày trong các cửa hiệu, ngoài quán chợ.
Là nơi tụ hội, chung sống của người Việt, người Hoa, người Chăm, có cả người Nhật đến buôn bán, các giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo, xây dựng nhà thờ Công giáo ở đây và cùng với đó là cộng đồng tín đồ Công giáo hình thành. Tại đây đã diễn ra quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa rất phong phú. Chính Chùa Bà và Lễ hội Đô thị Nước Mặn là biểu tượng trung tâm của sự giao lưu, tiếp biến đó.
Từ lễ hội chùa Bà đến lễ hội đô thị Nước Mặn
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, năm 1626 đã có chùa Bà, còn tên là Thiên Hậu miếu, thờ Thiên hậu Thánh Mẫu. Người Hoa đã suy tôn bà như một phụ nữ đức hạnh, có lòng hiếu thảo, có đức hy sinh, lòng nhân ái xả thân vì mọi người và họ đã thiêng hóa, biểu tượng hóa tấm gương của bà để giáo dục cộng đồng học tập gương hiếu thuận, đức nhân hậu, lối sống có đạo nghĩa, giúp đỡ mọi người khi gặp hoạn nạn.
Tục thờ này khi du nhập vào Đàng Trong hòa nhập, tiếp biến với tục thờ Mẫu (thờ Mẹ), một đặc điểm văn hóa đã trở thành bản sắc của người Việt, nên chùa Bà trở thành nơi thờ cúng, sùng bái chung của cộng đồng cư dân địa phương, không phân biệt người Việt hay người Hoa.
Vào chùa, điện thờ chính có tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu; phía bên phải thờ bà Chúa Thai Sinh- Bảo sản; phía bên trái thờ Thành Hoàng, hiện thân của lòng biết ơn tổ tiên tạo lập cơ nghiệp, của ước vọng bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với ý nghĩa văn hóa chứa đựng bên trong như vậy, chùa Bà đã trở thành biểu tượng văn hóa tiêu biểu cho sự giao lưu, tiếp biến văn hóa của cộng đồng cư dân Nước Mặn.
Thuở xưa, khi cảng thị Nước Mặn còn phồn thịnh, phố phường đông đúc, tới ngày lễ, cư dân cảng thị người Việt và người Hoa Minh Hương đưa kiệu tới miếu Thành Hoàng, miếu Quan Thánh (thờ Quan Công), miếu Bà mụ (bà chúa Thai sanh- Bảo sản) để rước linh các vị thần này về chùa Bà. Nửa đêm ngày 30 diễn ra lễ tế các vị thần này vì họ được suy tôn là những vị thần khai sáng, che chở cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân cảng thị Nước Mặn.
Việc các vị thần trong tín ngưỡng người Việt và người Hoa được rước về tế chung trong cùng một ngôi chùa biểu hiện tinh thần dung hợp văn hóa - tín ngưỡng của hai dân tộc trong đời sống tâm linh của cư dân Nước Mặn. Đặc biệt, dù các vị thần có nguồn gốc tín ngưỡng từ người Việt hay người Hoa đều chịu sự cai quản của Thành Hoàng bản xứ, chứng tỏ xu hướng chủ đạo của văn hóa Việt trong tiếp biến văn hóa và xu hướng này tạo ra bản sắc Việt trong sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng.
Sau ngày tế thần, khách thập phương mới vào lễ chùa và dự hội. Phần hội diễn ra trong ngày thứ hai và thứ ba, thực sự phô diễn những vẻ đẹp văn hóa của cảng thị xưa. Các biểu trưng ngư- tiều- canh- mục được cung kính rước trên kiệu, qua đường phố, thể hiện sự tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng, tạo dựng cơ nghiệp của cha ông đã vượt qua bao gian lao, vất vả biến vùng đất sình lầy ven sông cận biển trở thành một thương cảng sầm uất, phồn thịnh ở miền cực Nam nước Việt trong buổi đầu mở nước và xây dựng vùng đất mới.
Trong những ngày hội, các trò chơi dân gian đánh đu, kéo co, đấu võ, đấu vật, chơi cù, chọi gà, bắt vịt, nấu cơm thi, bịt mắt bắt dê, thả thơ, xổ cổ nhơn, hô bài chòi, đánh cờ người... của người Việt; các trò chơi đốt cậy bông, đổ giàn có nguồn gốc từ người Hoa và còn có trò chơi chịu ảnh hưởng của các thầy cúng người Chăm như hát một xà leo vừa thể hiện tinh thần trọng văn, thượng võ, giúp người dự hội giải trí, vừa thể hiện tinh thần hòa hiếu, dung hợp văn hóa. Vào ban đêm, người dân đốt đèn lồng sáng rực đường phố; các gánh hát nổi tiếng ở phủ Quy Nhơn được mời đến hát bả trạo, diễn tuồng (hát bội) và các nhà sư còn đưa phật tử đến múa lục cúng.
Cũng như các lễ hội khác, Lễ hội Đô thị Nước Mặn có một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân cảng thị Nước Mặn một thời. Đến với lễ hội, hướng tới các giá trị văn hóa nhân bản, con người cảm nhận được sự thông linh với thần linh, cảm thấy được sự chứng nhận tượng trưng mà họ tin là có thật của thần linh về những ước nguyện vốn là những nhu cầu mà thực tế cuộc sống đặt ra. Và trong chừng nào đó, còn chứng tỏ sự bao dung của người Việt - cư dân bản địa với người Hoa - cư dân ngoại lai. Đó là chưa kể đến việc nhiều thương nhân, nhà truyền giáo phương Tây, nhà buôn Ấn Độ, Nhật Bản đã định cư, buôn bán khá tốt ở Nước Mặn.
Đến với lễ hội, con người được giao tiếp với cộng đồng, được tham gia sinh hoạt cộng đồng từ các cuộc rước, các trò chơi dân gian, liên hoan đình đám, con người hỷ xả với nhau, quên đi những lo toan thường nhận... Và như vậy, con người cá nhân tìm thấy chính mình trong tập thể, sự đoàn kết, cố kết cộng đồng được củng cố. Đó là nhu cầu tinh thần của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Sự thỏa mãn nhu cầu này sẽ như một sự thanh lọc tâm hồn làm tâm lý cá nhân được cân bằng sau bao trắc trở của cuộc sống, tạo hứng khởi mới, động lực và năng lượng mới cho cuộc sống.
Do phù sa bồi lấp cửa Thử- Cát Tiến, làm cho sông Kôn, sông Hà Bạc cạn dần. Đến cuối thế kỷ XVIII, tàu thuyền không thể đến được cảng thị Nước Mặn. Việc trao đổi mua bán hàng hóa suy giảm dần, cư dân Nước Mặn ly tán đi tìm nơi làm ăn mới.
Cảng thị Nước Mặn suy tàn từ đó nhưng lễ hội vẫn còn được duy trì với nhiều mức độ khác nhau trong biến động lịch sử.
Phục hồi và phát huy giá trị một lễ hội đẹp
Những năm gần đây, chính quyền địa phương cùng người dân sở tại có nhiều hoạt động có ý nghĩa như lập hồ sơ đề nghị công nhận chùa Bà là di tích lịch; huy động kinh phí xã hội hóa để trùng tu chùa; đưa nhiều hoạt động văn hóa, thể thao vào khuôn khổ lễ hội như khôi phục nghi thức rước biểu trưng ngư- tiều- canh- mục; tổ chức Hội đánh Bài chòi cổ; múa lân; hát bội và tổ chức nhiều trò chơi dân gian v.v... Những việc làm đó nhằm duy trì những vẻ đẹp của lễ hội này như nó vốn có trong lịch sử và từ đó, một mặt đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trong huyện, trong và ngoài tỉnh, một mặt bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tinh hoa mà cha ông để lại.
Sau hơn 400 trăm năm tồn tại, lễ hội Đô thị Nước Mặn chứng tỏ thời gian không thể xoa nhòa những giá trị văn hóa nhân bản, vì con người, làm cho đời sống con người, cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn đã thấm sâu vào ký ức con người. Những tinh hoa mang đậm bản sắc Việt đó tiếp tục đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người hôm nay. Trở thành tài sản văn hóa quý báu mà ông cha để lại, lễ hội này hiện đang thu hút khách du lịch đến ngày một nhiều.
Nguồn tin: NGÔ HỒNG SƠN (baobinhdinh.com.vn)
4 năm trước
Từ xa xưa, trong tâm thức dân gian, cảnh đẹp huyền ảo bao giờ cũng là nơi có bóng dáng của thần tiên. Cũng bởi lẽ đó mà Ghềnh Ráng là nơi có truyề...
4 năm trước
Cách Bãi trứng chỉ một quả đồi đi về phía Nam là Biển Quy Hoà nép mình cạnh trại phong Quy Hoà. Giống như tên gọi, biển Quy Hoà trong lành và êm...
4 năm trước
Phía Đông Bắc Quy Nhơn là đầm lớn chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng tới gần 4 cây số. Đầm này đã có thời gian mang tên chữ là Hải Hạc Đàm, nhưng tr...
4 năm trước
Hoà trong vẻ đẹp thiên nhiên của đầm Thị Nại – Bán đảo Phương Mai là cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 7km gồm 5 cầ...
4 năm trước
Là một trong những bãi biển đẹp nhất Nam Trung Bộ với nhiều bãi tắm lý tưởng như Cát Tiến, Nhơn Hội, Hải Giang. Đến đây du khách có thể hòa mình v...
4 năm trước
Gọi là “đảo” nhưng thực ra xứ sở của loài chim yếu nằm trên bán đảo Phương Mai. Dãy Triều Châu ăn ra biển, trải dài chừng 15km, tạo thành những ng...
4 năm trước
Nằm cách Quy Nhơn khoảng 6km, đảo Hòn Khô như một tấm bình phong khổng lồ che chắn cho làng chài Nhơn Hải. Trong những mùa biển động, Hòn Khô đón...
4 năm trước
Mũi Vi Rồng Từ thị trấn Phù Mỹ vượt 20km về xã Mỹ Thọ, du khách sẽ thấy một ghềnh đá màu đỏ, nhô ra biển chừng 20m, chính giữa ghềnh đá có một kh...
4 năm trước
Hồ Núi Một bây giờ vốn là một thung lũng được các dãy núi bao bọc. Sau khi thành hồ thủy lợi, không gian xanh nơi đây trông quyến rũ hơn. Nếu có m...
4 năm trước
Hình thành cách đây hàng trăm năm, thiên nhiên bồi đắp tạo nên bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) trông giống "vầng trăng khuyết" nên thơ hấp dẫn du kh...