6470 | 2 năm trước
Dù nắng hay mưa, nóng bức hay lạnh giá, cứ tầm 10-11 giờ trưa, những đôi quang gánh với đủ loại bánh tráng trộn được các dì, các cô gánh đến vị trí chọn sẵn. Không có chuyện tranh giành chỗ hay nhầm chỗ, mỗi người đều có một góc của riêng mình.
Đặc sản bánh tráng trộn
Vừa đặt gánh bánh tráng xuống vỉa hè, còn chưa kịp bày biện, bà Trần Thị Hường (67 tuổi) đã có khách mở hàng: “Hai bịch nha cô!”. Nhận ra mối quen, bà nhoẻn cười bằng ánh mắt qua lớp khẩu trang: “Như cũ hả con?”. Khách gật đầu, bà nhanh tay chế biến, cho các loại nguyên liệu, từ bánh tráng bẻ nhỏ, đủ các loại “topping” là trứng cút, da heo chiên giòn, xoài…, mỗi thứ một ít rồi trộn đều. Mỗi bịch như vậy chỉ 20.000 đồng. “Khách ở đây đa số là sinh viên, học sinh, người lao động… Tôi thương các cháu học sinh như con cháu trong nhà, luôn bán nhiều bánh tráng ăn “bao no” cả ngày mà không tính thêm tiền. Cũng bởi vậy mà có nhiều khách quen lắm, dù không biết tên nhưng gặp một vài lần là nhớ từng sở thích, thói quen mua hàng của khách” - bà Hường tâm sự.
Kể về duyên nghề, người phụ nữ quê ở thị xã An Nhơn (Bình Định) cho biết, đã vào thành phố mưu sinh bằng nghề này hơn 13 năm. “Ở quê khó khăn lắm, làm đủ các nghề cũng không đủ sống. Một vài người quen vào đây bán buôn trước, thấy sống được nên rủ tui theo cùng. Lúc đầu chỉ nghĩ làm thử cho biết, không ngờ gắn luôn tới giờ” - bà Hường nói bằng giọng Bình Định đặc sệt.
Bà Trần Thị Hường có gần 15 năm xa quê, vào thành phố mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng trộn
Ở một góc cây bên cạnh, bà Đỗ Thị Trinh (65 tuổi) có gần 30 năm bán bánh tráng trộn, xoài, nem… ở quanh khu vực quận Nhất này. Nào là đậu phộng rang, con ruốc, khô mực, gan bò, rau răm, xoài sống, muối ớt sấy khô, nước sốt. Khi chúng tôi gọi món bánh tráng trộn, bà xởi lởi: “Ở đây có phần 15.000 đồng và phần 20.000 đồng, còn đặc biệt thì 30.000 đồng có trộn thêm nem chả. Cô còn có bánh tráng cuốn ruốc, bánh tráng trộn sốt… do chính cô tự chế công thức”. Nói rồi bà với cái thau nhôm, hai tay trộn, cuốn bánh nhanh thoăn thoắt. Những phần bánh tráng hấp dẫn, ngon lành được sắp vào hộp gọn ghẽ nhanh chóng trao cho khách. Những chiếc ghế nhựa nhỏ được tận dụng làm bàn, khách hàng vừa ăn ngon lành, rôm rả trò chuyện.
Tranh thủ lúc thưa khách, bà Trinh trải lòng, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Gia đình khó khăn nên 5 chị em bà chỉ học biết con số, cái chữ rồi nghỉ. Lập gia đình khi vừa 20 tuổi, sau khi sinh 2 con, bà theo người quen vào TPHCM lập nghiệp.
Những gánh hàng rong nuôi ước mơ học hành của các con
Trước cổng trường Đại học Sài Gòn (đường An Dương Vương, quận 5), nơi đây cũng có nhiều phụ nữ từ miền Trung bán bánh tráng trộn từ rất lâu trong đó người mới cũng có thâm niên gần 10 năm. Quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại giữa cái nóng trưa hè vào chiếc áo bà ba đã bạc màu, bà Võ Thị Tâm (62 tuổi, quê Bình Định) trần tình: “Tôi mới trở lại thành phố bán hàng được gần 3 tháng nay. Tuy nhiên bán buôn giờ ế ẩm lắm do giá cả hàng hóa tăng cao, bịch bánh tráng cũng phải lên giá nên càng vắng khách. Lắm lúc muốn bỏ nghề về quê, nhưng về cũng không biết sống bằng gì vì đất không có, mình lại lớn tuổi; trở về lại thành gánh nặng cho con cháu nên cố gắng trụ ở thành phố. Tới đâu hay tới đó vậy”.
Gánh ước mơ
Với bà Trinh, nghề này tính ra vẫn nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ vì chỉ ngồi một chỗ, bán tới khi nào hết khách thì về. Thông thường, họ sẽ bán tới khoảng 12 giờ khuya. “Ráng bán khuya một chút nhưng lại có tiền. Cày cục cả ngày, kiếm vài trăm ngàn đồng thì mừng lắm. Số tiền tuy không lớn nhưng mình biết chắt chiu, tích mỗi tháng đều gửi về quê 5-6 triệu đồng - bà Trinh bày tỏ.
Cũng nhờ những đồng tiền mồ hôi nước mắt này mà các con bà Trinh đều ăn học nên người, có nghề nghiệp ổn định. Mới đây, bà còn xây được căn nhà mới khang trang. “Các con đều gọi mình về quê nhưng tôi bảo còn sức khỏe, cố làm được mấy năm nữa thì làm. Bán buôn quen rồi, giờ về quê ở không cũng buồn lắm” - người phụ nữ U70 kể.
Gánh bánh tráng trộn nhìn có vẻ đơn giản nhưng đã giúp biết bao người bán hàng rong đủ trang trải cuộc sống qua ngày. Vừa cắt bánh tráng cho khách, bà Hồ Thị Tư (62 tuổi) vừa cho biết: “Tùy theo bữa, có khi được 300.000-400.000 đồng, bữa được 500.000 đồng. Lúc đầu bán tệ lắm, giờ cũng đỡ đỡ nhưng cũng tùy theo thời tiết, khi này khi khác, lúc nhiều lúc ít. Sau dịch bệnh, khách có phần giảm đi gần 50% nhưng không sao, từ từ rồi cũng sẽ ổn thôi” - bà Tư nói như tự an ủi mình.
Ở những người phụ nữ tha phương này, gánh nặng mưu sinh cho cả gia đình oằn cả đôi vai. Họ tha phương để tìm ước mơ cho những đứa con hiếu học được đến trường. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, họ lầm lũi bước chân trên khắp các ngả đường của thành phố. Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi lo riêng. Với chiếc đòn gánh trên vai, biến đôi quang gánh thành một “cửa hàng lưu động” bằng số vốn nhỏ nhoi, những người phụ nữ ngược xuôi trong lòng phố ấy tần tảo dưới nắng mưa vì cuộc sống gia đình.
Với lời hứa “không quay phim, chụp ảnh”, tôi được bà Hường đưa về khu nhà trọ xập xệ nằm dưới chân cầu Ông Lãnh (quận 1). Họ phải trả tiền thuê theo ngày, trọn gói là 45.000 đồng/ngày. Số tiền đó là để mua chỗ ngủ, chỉ vừa cái chiếu một mét nằm trên gác xép của một ngôi nhà cũ, được chủ cơi nới thành hai lớp. Những người thuê nhà ở đây đều là dân buôn thúng bán bưng.
Dù tôi đã rón rén bước chân lên cái cầu thang lót ván, nhưng âm thanh cót két từ những thanh ván lỏng lẻo trong đêm vắng càng to rõ hơn. “Nhìn nó cũ kỹ vậy thôi chứ an toàn, lại toàn người cùng quê, làm cùng nghề với mình nên yên tâm lắm. Ở đây sợ nhất là mưa, dột là ướt hết chứ còn nóng thì… vô tư, vì mình có ở ban ngày đâu…” - bà Hường khẽ khàng nói.
Căn nhà gần như được tận dụng mọi ngóc ngách để sắp từng đôi quang gánh gọn gàng. Xung quanh, cơ man những bọc ni-lon treo lủng lẳng khắp nhà. Một cơn gió lùa, những bịch ni-lon kêu sột soạt; những tiếng ho húng hắng, tiếng đấm chân, đấm vai cho vơi bớt đau nhức... hòa quyện vào nhau. Để rồi ngày hôm sau, họ lại bắt đầu với nhịp sống sôi động thường ngày. (còn nữa)
UYÊN PHƯƠNG
Theo : https://tienphong.vn/nhung-xom-nghe-tha-huong-ky-3-xom-77-va-dac-san-tren-doi-quang-ganh-post1467520.tpo
1 năm trước
Những ngày có gió mùa đông bắc về, ngồi cùng gia đình và nhâm nhi món ăn này thì quả là không gì sánh bằng.
1 năm trước
Món ăn được đánh giá là có vẻ ngoài đơn giản nhưng lại là sự kết hợp hoàn hảo giữa kết cấu mỏng giòn cùng hương vị thơm ngon hòa quyện của các nguyên liệu.
1 năm trước
Bánh tráng phơi sương được xem là tinh hoa ẩm thực 'riêng có' của xứ Trảng (Tây Ninh).
1 năm trước
Giá củ kiệu đầu mùa đang cao ngất ngưởng, gấp đôi năm ngoái nên nhiều người cân nhắc với kế hoạch chế biến, kinh doanh mặt hàng này mùa Tết
1 năm trước
Dùng ghe thuyền đánh bắt ở biển xa ngày càng khó khăn do cá tôm ít dần, giá xăng dầu tổn phí tăng cao, ngư dân Phú Yên lại quay về đắp đổi với nghề đánh bắt bằng thúng gần bờ.
1 năm trước
Đây là một loại đặc sản mọc tự nhiên trên các gành đá nhưng chỉ xuất hiện vào mùa đông, từ tháng 9 đến tháng 1 âm lịch năm sau, có giá bán lên đến 3,5 triệu đồng/kg khô.
1 năm trước
Lạng Sơn có khoảng 4.000 ha trồng cây thạch đen, hàng chục cơ sở chế biến sản phẩm thạch lâu năm, song sản phẩm thạch đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh lại thuộc về cô giáo dân tộc Tày Chu Thị Hạnh.
2 năm trước
Nhiều người trẻ yêu thích trà sữa, thêm trân châu hoặc kem cheese. Cũng có người lại yêu cầu được thưởng thức thứ trà đặc sản, pha chế công phu. Nhiều năm qua, trà không lỗi mốt.
2 năm trước
Cá Ninja là một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng và đắt tiền ở Busan (Hàn Quốc) và một số nơi ở châu Âu.
2 năm trước
Nhờ vị ngon lạ và không có xương cứng, cá Ninja tuy có hình dạng đáng sợ vẫn đang được nhiều bà nội trợ Việt Nam ưa thích.